Trang chủ Blog Thẻ tín dụng là gì? Chức năng, ưu nhược điểm và điều kiện mở thẻ

Thẻ tín dụng là gì? Chức năng, ưu nhược điểm và điều kiện mở thẻ

31/05/2024

Thẻ tín dụng là giải pháp thanh toán tiện lợi đáp ứng nhu cầu chi tiêu linh hoạt và an toàn cho khách hàng, đồng thời giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thông qua hàng loạt ưu đãi hấp dẫn. Hãy cùng khám phá chi tiết bản chất thẻ tín dụng là gì, chức năng, ưu điểm, nhược điểm và những điều cần biết để sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh và hữu ích nhất trong bài viết sau đây!

Lưu ý: Nội dung đề cập trong bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin chung của thị trường, không đại diện cho các sản phẩm và dịch vụ của LPBank.

1. Thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng (Credit Card) là một loại thẻ ngân hàng cho phép người sở hữu sử dụng để thanh toán trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ “mượn” ngân hàng một số tiền để mua sắm, chi tiêu và cuối kỳ sẽ phải trả lại đầy đủ hoặc một phần số tiền đã mượn cho ngân hàng.

Người sử dụng có thể dùng thẻ tín dụng để thanh toán trực tiếp thông qua máy quẹt thẻ thiết bị thanh toán POS/mPOS, thanh toán trực tuyến hoặc rút tiền mặt bằng ứng dụng của ngân hàng hoặc liên kết với các ví điện tử. Với các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ chủ thẻ sẽ được miễn lãi tối đa lên tới 45 – 55 ngày tùy theo quy định từng ngân hàng, với giao dịch rút tiền mặt sẽ không được áp dụng thời gian miễn lãi.

Số tiền chi tiêu sẽ được ghi nhận vào tài khoản thẻ và chủ thẻ phải hoàn trả đầy đủ khoản tiền đó trong thời gian quy định (thường 45 – 55 ngày sau sao kê tùy từng ngân hàng).

Trong sao kê, số tiền đã chi tiêu qua thẻ tín dụng cùng các khoản phí, lãi phát sinh sẽ được thể hiện trên sao kê và được được tính vào gọi là dư nợ thẻ tín dụng. Tìm hiểu kỹ dư nợ thẻ tín dụng là gì sẽ giúp người dùng thẻ nắm được thông tin cần thiết, từ đó thực hiện thanh toán đầy đủ để tránh tình trạng phát sinh lãi và phí phát sinh do thanh toán muộn.

Thẻ tín dụng là một loại thẻ thanh toán do ngân hàng phát hành, cho phép chủ thẻ "chi tiêu trước, trả tiền sau" trong hạn mức được cấp

Thẻ tín dụng là một loại thẻ thanh toán do ngân hàng phát hành, cho phép chủ thẻ “chi tiêu trước, trả tiền sau” trong hạn mức được cấp

2. Thẻ tín dụng dùng để làm gì? 

Thẻ tín dụng dùng để thanh toán hàng hóa/dịch vụ, thanh toán trả góp hoặc rút tiền mặt, cụ thể:

2.1. Thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ

Bạn có thể dùng thẻ tín dụng để thanh toán hàng hóa/dịch vụ trực tiếp hoặc trực tuyến bằng các cách sau:

  • Thanh toán trực tiếp: Thẻ tín dụng có thể dùng để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ bằng nhiều cách như quẹt thẻ, thanh toán qua mã QR… tại các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng và nhiều địa điểm khác chấp nhận thẻ tín dụng.
  • Thanh toán trực tuyến: Bạn có thể liên kết thẻ tín dụng với các trang web thương mại điện tử hoặc liên kết trung gian qua ví điện tử để thanh toán các hóa đơn dịch vụ như điện, nước, internet…

Lưu ý: Thẻ tín dụng có thể thanh toán hàng hóa/dịch vụ trong và ngoài nước tùy theo loại thẻ mà bạn sử dụng là thẻ tín dụng nội địa hay thẻ tín dụng quốc tế.

Thẻ tín dụng có thể dùng để thanh toán hàng hóa

Thẻ tín dụng có thể dùng để thanh toán hàng hóa/dịch vụ bằng hạn mức tín dụng được cấp, giúp bạn mua sắm và chi tiêu linh hoạt hơn

2.2. Thanh toán trả góp

Thanh toán trả góp bằng thẻ tín dụng là hình thức mua sắm cho phép khách hàng chia giá trị sản phẩm thành nhiều khoản thanh toán nhỏ hơn trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 3, 6, 9, 12 tháng).

Thay vì thanh toán toàn bộ giá trị sản phẩm ngay lập tức, khách hàng có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán từng khoản theo kỳ hạn và lãi suất từ 0 – 10%/năm đã thỏa thuận. Tính năng này giúp chủ thẻ chi tiêu linh hoạt hơn, cho phép bạn mua sắm các sản phẩm có giá trị cao mà không cần đặt gánh nặng tài chính lớn vào thời điểm mua hàng.

Thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ thanh toán trả góp nhiều kỳ với mức lãi suất hấp dẫn

Thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ thanh toán trả góp nhiều kỳ với mức lãi suất hấp dẫn

2.3. Rút tiền mặt

Rút tiền mặt là tính năng cho phép chủ thẻ sử dụng hạn mức tín dụng của thẻ để rút tiền mặt từ cây ATM. Tuy nhiên, số tiền bạn có thể rút tối đa chỉ khoảng 30 – 70% hạn mức thẻ tùy theo chính sách của từng ngân hàng. Ngoài ra, phí và lãi suất rút tiền mặt thường dao động từ 3 – 4% số tiền giao dịch. Do đó, người dùng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng tính năng này.

Chủ thẻ có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại ATM nhưng nên hạn chế vì phí rút và lãi suất cao

Chủ thẻ có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại ATM nhưng nên hạn chế vì phí rút và lãi suất cao

3. Lợi ích và hạn chế khi sử dụng thẻ tín dụng

Việc sử dụng thẻ tín dụng mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với một số hạn chế mà bạn cần cân nhắc, cụ thể:

3.1. Lợi ích

Thẻ tín dụng là giải pháp thanh toán thế hệ mới mang đến nhiều lợi ích về tốc độ thanh toán, ưu đãi hấp dẫn và khả năng bảo mật cao:

  • Thanh toán tiện lợi, nhanh chóng: Chủ thẻ có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán tại bất kỳ điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS/mPOS) và qua Internet trên toàn thế giới mà không cần mang theo tiền mặt. Thanh toán tối thiểu dư nợ hàng tháng thông qua dịch vụ ngân hàng số của ngân hàng.
  • Giảm áp lực tài chính: Giúp chủ thẻ thoải mái “chi tiêu trước, trả tiền sau”, có thể tạm ứng một khoản ngân sách trong những trường hợp cần tiền gấp.
  • Nhận nhiều ưu đãi, khuyến mãi: Nhiều ngân hàng và tổ chức thường xuyên cung cấp các chương trình ưu đãi, khuyến mãi quanh năm cho chủ thẻ tín dụng như giảm giá, hoàn tiền, tích dặm bay, miễn lãi đến 45 – 55 ngày… giúp chủ thẻ tiết kiệm chi tiêu tối đa.
  • Bảo vệ tài chính cá nhân: Thẻ tín dụng được trang bị các tính năng bảo mật tiên tiến như xác minh 3D Secure, chip bảo mật… giúp chủ thẻ bảo vệ tài chính cá nhân chặt chẽ, có thể khóa thẻ ngay khi bị mất để tránh thất thoát tiền.
  • Tăng khả năng quản lý chi tiêu: Chủ thẻ có thể dễ dàng theo dõi chi tiêu của mình thông qua bảng sao kê thẻ tín dụng. Dễ dàng quản lý chi tiêu, theo dõi biến động số dư qua SMS, xem lịch sử giao dịch trên ứng dụng ngân hàng số.

Thẻ tín dụng giúp chủ thẻ chi tiêu linh hoạt, quản lý chi tiêu tối ưu và bảo mật tài chính cao

Thẻ tín dụng giúp chủ thẻ chi tiêu linh hoạt, quản lý chi tiêu tối ưu và bảo mật tài chính cao

3.2. Hạn chế

Mặc dù thẻ tín dụng mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại một số hạn chế mà người dùng cần lưu ý:

  • Cần theo dõi ngày sao kê thanh toán: Chủ thẻ cần thanh toán đầy đủ số dư thẻ mỗi tháng hoặc theo chu kỳ thanh toán đúng hạn để tránh bị tính phí phạt và lãi suất cho số dư nợ còn lại.
  • Nguy cơ bị lừa đảo nếu không cẩn thận: Chủ thẻ có thể gặp rủi ro nếu để rò rỉ các thông tin như số thẻ, mã CVV/CVC, tài khoản đăng nhập Mobile banking… Do đó, ngoài việc thiết lập đầy đủ các tính năng bảo mật của ngân hàng, chủ thẻ không nên đưa thẻ cho người khác và lập tức khóa thẻ ngay khi phát hiện bị mất.
  • Mất phí khi rút tiền mặt: Phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng thường rất cao, có thể lên tới 4%/khoản giao dịch. Vì thế, chủ thẻ rút khoản tiền càng lớn thì phần tiền hao hụt càng nhiều.

Tổng kết lại, thẻ tín dụng sẽ phù hợp với những người có khả năng quản lý tài chính tốt, có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và luôn tuân thủ các quy định thanh toán đúng hạn để tránh phát sinh các khoản phí không mong muốn.

Chủ thẻ cần lưu ý sử dụng thẻ tín dụng đúng cách để hạn chế các rủi ro chủ quan

Chủ thẻ cần lưu ý sử dụng thẻ tín dụng đúng cách để hạn chế các rủi ro chủ quan

4. Cách sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả

Sử dụng thẻ tín dụng một cách hiệu quả không chỉ giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn mà còn tận dụng được nhiều lợi ích từ các chương trình ưu đãi. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

  • Thanh toán đúng hạn: Bạn cần đảm bảo luôn thanh toán số dư hàng tháng đúng hạn để tránh nộp thêm phí phạt và lãi suất cao.
  • Chi tiêu hợp lý: Bạn chỉ nên sử dụng một phần hạn mức tín dụng được cấp để thanh toán cho những khoản chi tiêu thực sự cần thiết. Điều này giúp bạn tránh khỏi rủi ro nợ nần tín dụng do chi tiêu không kiểm soát.
  • Theo dõi chi tiêu: Bạn nên sử dụng thêm các ứng dụng hoặc dịch vụ quản lý chi tiêu để theo dõi các giao dịch, đồng thời lập kế hoạch tài chính để kiểm soát chi tiêu khi dùng thẻ tín dụng.
  • Tận dụng các ưu đãi: Thẻ tín dụng thường có nhiều chương trình ưu đãi như tích điểm, hoàn tiền, giảm giá tại các thương hiệu đối tác… chủ thẻ nên tận dụng để tiết kiệm chi phí.
  • Chọn thẻ tín dụng phù hợp với nhu cầu: Chủ thẻ nên lựa chọn thẻ tín dụng có hạn mức tín dụng, lãi suất, phí và các ưu đãi phù hợp với nhu cầu chi tiêu và khả năng thanh toán.
  • Bảo quản thẻ cẩn thận: Chủ thẻ nên bảo quản thẻ cẩn thận tránh bị mất và không để lộ thông tin thẻ cho bất kỳ ai. Nếu mất thẻ, bạn cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng hoặc thao tác trên Mobile banking để khóa thẻ khẩn cấp.

Nhìn chung, nếu bạn hiểu rõ và tuân thủ các quy định sử dụng, thẻ tín dụng sẽ là một giải pháp thanh toán hữu ích có thể giúp bạn kiểm soát tài chính một cách hiệu quả và an toàn.

Bạn nên tận dụng các ưu đãi của thẻ tín dụng, chi tiêu hợp lý và thanh toán đúng hạn để mang lại lợi ích tối ưu

Bạn nên tận dụng các ưu đãi của thẻ tín dụng, chi tiêu hợp lý và thanh toán đúng hạn để mang lại lợi ích tối ưu

5. Điều kiện và quy trình mở thẻ tín dụng

Để bắt đầu quá trình mở thẻ tín dụng, trước tiên bạn cần đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của ngân hàng, như độ tuổi tối thiểu, năng lực hành vi dân sự và nguồn thu nhập. Sau đó, bạn có thể tiếp tục với quy trình mở thẻ tín dụng tại ngân hàng hoặc trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng số, cụ thể như sau:

5.1. Điều kiện mở thẻ tín dụng

Theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, sửa đổi bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN và các quy định của ngân hàng, người mở thẻ cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Đủ 15 tuổi trở lên: Đối với người Việt Nam, đây là điều kiện bắt buộc để mở thẻ tín dụng tại hầu hết các ngân hàng. Đối với người nước ngoài, họ phải được cấp phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên mới có thể mở thẻ tín dụng tại Việt Nam.
  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Bạn cần có CMND/CCCD hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực và không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
  • Có thu nhập ổn định: Thu nhập của bạn cần đảm bảo đủ khả năng thanh toán số dư thẻ mỗi tháng. Mức thu nhập tối thiểu để mở thẻ tín dụng sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng và loại thẻ cụ thể.
  • Có lịch sử tín dụng tốt: Nếu bạn đã từng hoàn tất tốt các sản phẩm tín dụng khác như vay ngân hàng, trả góp qua các tổ chức tín dụng… Ngân hàng sẽ xem xét lịch sử tín dụng của bạn để đánh giá khả năng thanh toán, từ đó quyết định hạn mức tín dụng có thể cấp cho bạn.
  • Cung cấp đầy đủ hồ sơ: Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ theo quy định của ngân hàng, thường bao gồm:
    • CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực.
    • Hộ khẩu thường trú (bản gốc hoặc bản sao công chứng)/Giấy xác nhận tạm trú/Giấy xác nhận thông tin cư trú tại khu vực đăng ký mở thẻ.
    • Giấy tờ chứng minh thu nhập tối thiểu trong 3 tháng (hợp đồng lao động, bảng lương, sổ kinh doanh…).
    • Một số giấy tờ khác tuỳ theo yêu cầu của ngân hàng (sổ tiết kiệm, giấy tờ sở hữu nhà đất…).

Khách hàng cần đáp ứng đủ điều kiện mở thẻ tín dụng theo luật và quy định của ngân hàng

Khách hàng cần đáp ứng đủ điều kiện mở thẻ tín dụng theo luật và quy định của ngân hàng

5.2. Quy trình mở thẻ tín dụng

Bạn có thể mở thẻ tín dụng trực tiếp tại ngân hàng với quy trình đơn giản như sau:

  • Chọn ngân hàng và loại thẻ phù hợp: Bạn nên mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng uy tín tại Việt Nam, xem xét chính sách/chương trình ưu đãi của từng ngân hàng để lựa chọn được loại thẻ phù hợp với nhu cầu.
  • Nộp đơn đăng ký: Sau khi chọn được ngân hàng mở thẻ, bạn đến Chi nhánh/Phòng giao dịch để làm đơn đăng ký phát hành thẻ và nộp kèm các loại hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng (CCCD/CMND, bảng lương…). Một số ngân hàng cũng có hỗ trợ mở thẻ trực tuyến, tuy nhiên có thể chỉ áp dụng với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt hoặc tùy theo chính sách riêng của từng loại thẻ.
  • Chờ xét duyệt: Sau khi nhận đủ hồ sơ, ngân hàng sẽ xét duyệt và thông báo kết quả đến bạn trong vòng 3 – 5 ngày làm việc.
  • Nhận thẻ: Nếu hồ sơ đạt, bạn sẽ được cấp thẻ cứng trong vòng 7 – 14 ngày và cần kích hoạt để bắt đầu sử dụng. Bạn sẽ nhận được thẻ tín dụng qua bưu điện hoặc đến các Chi nhánh/Phòng giao dịch của ngân hàng để nhận thẻ.
  • Kích hoạt thẻ: Bạn cần kích hoạt thẻ trước khi sử dụng bằng cách gọi điện thoại đến tổng đài của ngân hàng hoặc thực hiện theo hướng dẫn trên website/ứng dụng của ngân hàng.

Bạn có thể mở thẻ tín dụng trực tiếp tại ngân hàng hoặc nộp hồ sơ trực tuyến

Bạn có thể mở thẻ tín dụng trực tiếp tại ngân hàng hoặc nộp hồ sơ trực tuyến

6. 5 câu hỏi thường gặp về thẻ tín dụng

Sau đây là tổng hợp một số câu hỏi phổ biến mà khách hàng thường quan tâm khi sử dụng thẻ tín dụng:

6.1. Có mấy loại thẻ tín dụng?

Thẻ tín dụng có thể phân loại theo các yếu tố phổ biến như thương hiệu và mục đích sử dụng, cụ thể:  

Phân loại theo thương hiệu

Thẻ tín dụng có nhiều loại thương hiệu khác nhau, trong đó có 3 loại thẻ tín dụng quốc tế thường gặp sau đây:

  • Thẻ tín dụng Visa: Thẻ tín dụng Visa chấp nhận thanh toán tại hơn 210 quốc gia trên thế giới, là loại thẻ tín dụng quốc tế được sử dụng phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu và châu Á.
  • Thẻ tín dụng Mastercard: Thẻ tín dụng Mastercard chấp nhận thanh toán tại hơn 210 quốc gia trên thế giới, thường được sử dụng phổ biến tại Mỹ và châu Âu.
  • Thẻ tín dụng JCB: Thẻ tín dụng JCB chấp nhận thanh toán tại hơn 190 quốc gia, thường được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản và châu Á.

Ngoài ra trên thị trường Việt Nam còn có các thương hiệu thẻ như UnionPay, American Express, Diners Club được phát hành.

Phân loại theo mục đích sử dụng

Thẻ tín dụng có thể được phát hành thành các loại chuyên một mục đích sử dụng nào đó, cụ thể:

  • Thẻ tín dụng hoàn tiền: Thẻ có chương trình hoàn tiền cho một số khoản chi tiêu nhất định như xăng dầu, siêu thị, du lịch… giúp chủ thẻ tiết kiệm chi tiêu.
  • Thẻ tín dụng tích điểm: Thẻ có chương trình tích điểm khi liên kết với các đối tác lớn của ngân hàng, có thể đổi điểm thành các ưu đãi hoặc những món quà có giá trị theo chính sách của mỗi ngân hàng, mang đến những lợi ích thiết thực cho chủ thẻ.
  • Thẻ tín dụng du lịch: Thẻ thường có các chương trình như tích dặm bay, tích điểm đổi ưu đãi khi mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, miễn phí phòng chờ hạng thương gia… giúp chủ thẻ có một chuyến đi du lịch/công tác thoải mái và tiết kiệm hơn.
  • Thẻ tín dụng rút tiền: Thẻ cho phép bạn rút tiền mặt từ thẻ với hạn mức cao hơn so với các loại thẻ khác, phù hợp với những người có nhu cầu “tạm ứng” các khoản tiền mặt.
  • Thẻ tín dụng đồng thương hiệu: Thẻ được phát hành bởi ngân hàng và một thương hiệu khác, thường có ưu đãi đặc biệt cho sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu đó.

Thẻ tín dụng được chia thành nhiều loại theo mục đích sử dụng, đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu linh hoạt của khách hàng

Thẻ tín dụng được chia thành nhiều loại theo mục đích sử dụng, đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu linh hoạt của khách hàng

6.2. Một người được mở mấy thẻ tín dụng?

Hiện nay, Việt Nam không có quy định cụ thể về số lượng thẻ tín dụng mà một người có thể mở. Do đó, bạn có thể mở nhiều thẻ tín dụng tại nhiều ngân hàng khác nhau nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện mở thẻ của từng ngân hàng.

6.3. Thanh toán dư nợ thẻ tín dụng như thế nào?

Bạn có thể thanh toán thẻ tín dụng bằng cách nộp tiền mặt trực tiếp tại Chi nhánh/Phòng giao dịch, nộp tiền qua ATM, ghi nợ tự động từ tài khoản thanh toán hoặc thanh toán online qua Ngân hàng số/Ví điện tử. Mỗi phương thức sẽ có quy trình khác nhau, bạn nên tìm hiểu kỹ để chọn được cách thanh toán dư nợ thẻ tín dụng phù hợp.

6.4. Hạn mức thẻ tín dụng tối thiểu là bao nhiêu?

Hạn mức thẻ tín dụng tối thiểu sẽ phụ thuộc vào từng loại thẻ, chính sách mỗi ngân hàng và mức thu nhập của bạn. Bạn nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng cần mở thẻ để được tư vấn chi tiết.

6.5. Chủ thẻ tín dụng chính được mở bao nhiêu thẻ phụ?

Thông thường, chủ thẻ tín dụng chính có thể mở thêm 2 – 3 thẻ phụ hoặc nhiều hơn tùy theo loại thẻ và chính sách của mỗi ngân hàng. Nếu có nhu cầu mở thẻ phụ, bạn nên liên hệ với ngân hàng đang sử dụng để được tư vấn chi tiết.

Chủ thẻ tín dụng chính có thể mở thêm nhiều thẻ phụ tùy theo chính sách của mỗi ngân hàng

Chủ thẻ tín dụng chính có thể mở thêm nhiều thẻ phụ tùy theo chính sách của mỗi ngân hàng

Như vậy, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thẻ tín dụng là gì và các chức năng quan trọng mà loại thẻ này mang lại, cũng như những lợi ích và hạn chế của việc sử dụng thẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng đã nắm được những điều kiện cơ bản để có thể sở hữu một chiếc thẻ tín dụng. Hy vọng rằng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định tài chính thông minh và phù hợp với nhu cầu cá nhân.

Nếu có nhu cầu mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi hấp dẫn, bảo mật cao, chính sách ngân hàng minh bạch, bạn hãy liên hệ ngay với Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam để tham khảo các sản phẩm thẻ tín dụng tiện ích thông qua các phương thức sau đây:

Đăng kí tham gia chương trình khuyến mãi


Tôi là *: Khách hàng cá nhânKhách hàng doanh nghiệp

Nhập dãy số bên dưới *