Các thay đổi về chính sách theo hướng tích cực hơn, áp lực tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục…
Cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các ngân hàng đang dần dần lộ rõ qua chia sẻ của lãnh đạo các ngân hàng tại “mùa” ĐHCĐ 2023. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, kết quả kinh doanh đều rất khả quan, lợi nhuận đạt mục tiêu đặt ra dù quý 1 tăng trưởng tín dụng rất thấp trong 2 tháng đầu năm và mới “nhúc nhích” trong tháng cuối của quý 1.
Năm 2023, ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại và đạt 11% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 34% so với cùng kỳ năm 2022) dựa trên tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng tăng.
Điểm sáng được bà Hiền đề cập đó là, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây và ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá của ngành ở mức thấp lịch sử là 1,2 lần P/B năm 2023 (chỉ cao hơn mức -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm) đang tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hết sức hấp dẫn.
Cổ phiếu nào tiềm năng nhất thị trường năm 2023
Dù đã có thông tin tốt hỗ trợ, kích hoạt hoạt động của nhà đầu tư nhưng bà Hiền cho rằng, dường như dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại. Dòng tiền không có sự cải thiện đáng kể và chỉ tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ đã khiến cho nhịp tăng vừa qua của thị trường diễn ra khá ngắn và không thực sự mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, bà Hiền nhận định, thị trường có thể có một nhịp điều chỉnh ngắn về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm. Tuy nhiên, kịch bản thị trường rơi sâu sẽ khó xảy ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua.
“Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh lần này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index về vùng hỗ trợ 1.030 – 1.040 điểm, ưu tiên dịch chuyển danh mục đầu tư sang nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm 2023 như ngân hàng, đầu tư công, du lịch hoặc những ngành đầu chu kỳ phục hồi như vật liệu xây dựng, thép”, bà Hiền nói.
Diễn biến trên sàn HoSE cho thấy, sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã kéo VN-Index về trên tham chiếu như cổ phiếu “vua” BID, TCB… là những mã giao dịch tích cực nhất và chưa kể một mã cổ phiếu ngân hàng sắp sáp nhập tăng giá mạnh trong vòng 1 tháng. Còn trước đó, cổ phiếu LPB tăng hơn 1% – cũng là một trong những cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất trên HoSE tháng 3 vừa qua.
Trong diễn biến đáng chú ý, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã hủy đấu giá gần 141 triệu cổ phiếu LPB của Lienvietpostbank mà Tổng công ty này đang sở hữu, tương đương 10,15% vốn điều lệ của Ngân hàng. Được biết, giá khởi điểm được công bố là 22.908 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với thị giá hiện tại của LPB.
Trao đổi với phóng viên về diễn biến trên, Giám đốc phân tích của một Công ty Chứng khoán cho rằng, VNPost là công ty nhà nước nên chịu sức ép thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành, đồng thời, cũng chịu áp lực về định giá các khoản này. Chẳng hạn như lần trước VNPost đã thoái vốn khỏi PTI với mức định giá khá cao, thì khi thoái vốn khỏi LPB cũng chịu áp lực tương tự. Điểm cần lưu ý đối với LPB, cổ đông lớn đã nắm đủ cổ phần chi phối, vì vậy nhu cầu mua thêm không lớn.
“Động thái của VNPost tôi cho rằng mang tính chất thoái vốn cho có chứ chưa thật sự muốn thoái”, vị Giám đốc nói.
Kết thúc năm 2022, tổng tài sản Lienvietpostbank đạt gần 350.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay thị trường 1 đạt gần 236.000 tỷ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 250.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.690 tỷ đồng. Lienvietpostbank là một trong những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất cả nước với hơn 1.000 điểm giao dịch trên toàn quốc. Nhờ mạng lưới lớn đến nhiều huyện, xã, kết hợp giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng số, Lienvietpostbank có thể cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng, là lợi thế để thúc đẩy mảng bán lẻ.
Đáng chú ý, tháng 12 vừa qua, Lienvietpostbank công bố hoàn thành triển khai Chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III và Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9, trở thành một trong số ít các TCTD tại Việt Nam hoàn thành triển khai đồng thời hai chuẩn mực quản trị rủi ro và báo cáo tài chính khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới. Cũng trong năm 2022, Lienvietpostbank liên tiếp được các tổ chức, định chế tài chính uy tín của khu vực và toàn cầu đánh giá cao, được vinh danh ở nhiều hạng mục giải thưởng lớn như Giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc châu Á (Asia Pacific Enterprise Award – APEA), Ngân hàng bán lẻ phát triển nhanh nhất VN (Fastest Growing Retail Bank – Vietnam), Giải thưởng Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc…
Đăng kí tham gia chương trình khuyến mãi